Công ty PCCC Hải Nam

Tuyên truyền, hướng dẫn quy định của Quy chuẩn QCVN 03:2023/BCA về phương tiện PCCC

Thứ Năm, 26/09/2024
CÔNG TY TNHH THIẾT BỊ CƠ ĐIỆN PCCC HẢI NAM

Ngày 30/10/2023, Bộ Công an ban hành Thông tư số 56/2023/TT-BCA ban hành Quy chuẩn kỹ thuật kỹ thuật quốc gia về phương tiện phòng cháy và chữa cháy - QCVN 03:2023/BCA, có hiệu lực từ ngày 01/4/2024 và thay thế Thông tư số 123/2021/TT-BCA (ban hành Quy chuẩn kỹ thuật kỹ thuật quốc gia về phương tiện phòng cháy và chữa cháy - QCVN 03:2021/BCA). Để triển khai, thực hiện có hiệu quả các quy định tại Quy chuẩn nêu trên, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH hướng dẫn một số nội dung sau:
 1. Một số điểm mới trong quy định của QCVN 03:2023/BCA

Về tổng thể, QCVN 03:2023/BCA giữ nguyên cấu trúc của QCVN 03:2021/BCA, gồm 04 phần:

- Phần 1: Quy định chung, bao gồm: Phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; tài liệu viện dẫn; giải thích từ ngữ;

- Phần 2: Quy định về kỹ thuật;

- Phần 3: Quy định về quản lý, bao gồm: Quy định về đánh giá chất lượng phương tiện phòng cháy và chữa cháy; quy định về ghi nhãn đối với phương tiện phòng cháy và chữa cháy;

- Phần 4: Tổ chức thực hiện.

Các nội dung thay đổi chính được tập trung tại Phần 2 và Phần 3, cụ thể:

1.1. Các điểm mới trong quy định kỹ thuật

a) Thay đổi liên quan đến nâng cấp phiên bản tiêu chuẩn TCVN mới ban hành hoặc mới sửa đổi, bổ sung để áp dụng trong công tác kiểm định kỹ thuật:

- TCVN 5739:2023 - Phòng cháy chữa cháy - Phương tiện chữa cháy - Thiết bị đầu nối;

- TCVN 5740:2023 - Phòng cháy chữa cháy – Vòi đẩy chữa cháy;

- TCVN 7161-1:2022 (ISO 14520-1: 2015) - Hệ thống chữa cháy bằng khí - Tính chất vật lý và thiết kế hệ thống - Phần 1: Yêu cầu chung;

- TCVN 7568-25:2023 (ISO 7240-25:2010) - Hệ thống báo cháy – Phần 25: Các bộ phận sử dụng đường truyền vô tuyến

- TCVN 12314-2:2022 – Phòng cháy chữa cháy - Bình chữa cháy tự động kích hoạt - Bình khí chữa cháy;

- TCVN 13418:2022 – Phòng cháy chữa cháy – Lăng phun bọt chữa cháy cầm tay – Yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử;

- TCVN 13455:2022 – Phòng cháy chữa cháy - Ống mềm bằng kim loại kết nối đầu phun trong hệ thống sprinkler tự động – Yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử;

- TCVN 13457-1:2022 – Phòng cháy chữa cháy – Chất chữa cháy gốc nước – Phần 1: Yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử đối với chất phụ gia;

b) Phân biệt chỉ tiêu kỹ thuật phải kiểm định về PCCC trong thực hiện lần đầu và lần kế tiếp:

Để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất phương tiện PCCC, thúc đẩy nền công nghiệp PCCC trong nước nhưng vẫn bảo đảm chất lượng phương tiện PCCC, tại Quy chuẩn đã bổ sung quy định cho phép cắt giảm một số chỉ tiêu kỹ thuật khi kiểm định lần kế tiếp nếu có kết quả kiểm định lần đầu đạt yêu cầu. Các chỉ tiêu này được đánh dấu (*) nêu tại cột “Chỉ tiêu kỹ thuật” thuộc Phần 2 của Quy chuẩn này.

c) bổ sung các chỉ tiêu kỹ thuật liên quan đến thiết bị báo cháy không dây, theo đó, ngoài thử nghiệm các tính năng của hệ thống báo cháy thông thường, các phương tiện này phải thực hiện bổ sung các phép thử đối với các bộ phận sử dụng đường truyền vô tuyến, cụ thể gồm:

- Suy hao tín hiệu tại hiện trường;

- Tính toàn vẹn của tín hiệu cảnh báo;

- Định danh của các thiết bị sử dụng đường truyền vô tuyến;

- Ăng ten;

- Tuổi thọ nguồn độc lập;

- Xuyên nhiễu giữa các hệ thống của cùng một nhà sản xuất.

Các chỉ tiêu này được đánh dấu (***) nêu tại cột “Chỉ tiêu kỹ thuật” thuộc Phần 2 của Quy chuẩn này.

d) Lược bỏ các quy định kỹ thuật liên quan kết cấu, cấu kiện ngăn cháy, chống cháy; trang phục chữa cháy chuyên dụng.

đ) Bổ sung một số phương tiện PCCC chưa được quy định tại QCVN 03:2021/BCA, gồm: Lăng phun bọt chữa cháy cầm tay; Bình chữa cháy bằng khí tự động kích hoạt; Chất phụ gia chữa cháy (chất chữa cháy gốc nước).

1.2. Các điểm mới trong quy định về quản lý

a) Đối với các trường hợp được cắt giảm một số chỉ tiêu kỹ thuật khi kiểm định lần kế tiếp nếu kết quả kiểm định về PCCC lần đầu đạt yêu cầu

Tại điểm b Điều 3.1.1 của Quy chuẩn có quy định:

“b) Phương tiện phòng cháy và chữa cháy được sản xuất bởi cơ sở sản xuất trong nước có công nghệ dây chuyền và quy trình sản xuất phương tiện phòng cháy và chữa cháy đã được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận và duy trì ổn định hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001 và đã được kiểm định, cấp giấy chứng nhận kiểm định có các chỉ tiêu kỹ thuật phù hợp với Quy chuẩn này thì khi thực hiện kiểm định các phương tiện tiếp theo không yêu cầu phải thử nghiệm các chỉ tiêu kỹ thuật có đánh dấu (*) nêu tại cột “Chỉ tiêu kỹ thuật” thuộc Phần 2 của Quy chuẩn này (các chỉ tiêu kỹ thuật có đánh dấu (*) nêu tại cột “Chỉ tiêu kỹ thuật” trước đó đã được thử nghiệm, đánh giá chất lượng phù hợp với Quy chuẩn này)”

Quy định trên chỉ áp dụng đối với các phương tiện PCCC sản xuất trong nước, không áp dụng cho phương tiện PCCC nhập khẩu. Chi tiết các tiêu chí để được chấp nhận kết quả kiểm định lần đầu gồm:
- Đối với doanh nghiệp sản xuất phương tiện PCCC trong nước:

+ Được cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện sản xuất phương tiện PCCC (để thỏa mãn yêu cầu “có công nghệ dây chuyền và quy trình sản xuất phương tiện phòng cháy và chữa cháy đã được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận”;

+ Được tổ chức có thẩm quyền đánh giá và cấp chứng nhận duy trì ổn định hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001 (cơ quan Cảnh sát PCCC và CNCH sẽ kiểm tra kết quả đánh giá ISO 9001 định kỳ trong quá trình kiểm tra điều kiện kinh doanh dịch vụ về PCCC).

- Đối với kết quả kiểm định của phương tiện PCCC:

+ Phương tiện PCCC được kiểm định toàn bộ các chỉ tiêu kỹ thuật theo quy định tại QCVN 03:2023/BCA và có kết quả được cấp giấy chứng nhận kiểm định về PCCC, được dán tem kiểm định và lưu thông trên thị trường;

+ Cho phép kế thừa các kết quả kiểm định về PCCC theo QCVN 03:2021/BCA để sử dụng như kết quả kiểm định lần đầu trong trường hợp quy định về các chỉ tiêu kỹ thuật tại Quy chuẩn này được bảo lưu tại QCVN 03:2023/BCA;

+ Cho phép sử dụng kết quả kiểm định do các đơn vị kinh doanh dịch vụ tư vấn kiểm định về PCCC khác cấp để sử dụng như kết quả kiểm định lần đầu, làm căn cứ thực hiện kết quả kiểm định lần kế tiếp. Trong trường hợp này, các đơn vị tư vấn kiểm định về PCCC phải là một bên tham gia ký kết thỏa ước thừa nhận lẫn nhau (MRA), ví dụ như các đơn vị được cấp chứng nhận ISO 17025 và có con dấu “ILAC-MRA” (hiện nay, hầu hết các đơn vị tư vấn kiểm định về PCCC trong nước được cấp chứng nhận ISO 17025 đều được cấp con dấu này). Trong quá trình thực hiện, đơn vị kiểm định kỹ thuật có quyền yêu cầu doanh nghiệp đề nghị kiểm định cung cấp kết quả kiểm định lần đầu hợp lệ (Biên bản kiểm định phương tiện PCCC, giấy chứng nhận kiểm định phương tiện PCCC).

Để thực hiện có hiệu quả quy định trên và bảo đảm chất lượng phương tiện PCCC trước khi lưu thông, đồng thời tạo sự thuận lợi, thống nhất trong quá trình thực hiện, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH hướng dẫn thành phần hồ sơ cần cung cấp khi thực hiện thủ tục kiểm định, cấp giấy chứng nhận kiểm định phương tiện PCCC, gồm:

- Bản sao Giấy chứng nhận kiểm định về PCCC đã được cấp, Bản sao biên bản kiểm định phương tiện PCCC (đối với kết quả kiểm định lần đầu), nộp tại mục “Biên bản kiểm định phương tiện phòng cháy, chữa cháy của cơ sở kinh doanh dịch vụ tư vấn kiểm tra, kiểm định kỹ thuật về PCCC” khi tải hồ sơ trên Cổng dịch vụ Công của Bộ Công an;

- Bản sao Giấy đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ về PCCC đối với việc sản xuất phương tiện PCCC, chứng chỉ công nhận hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001, nộp tại mục “Thành phần hồ sơ khác” khi tải hồ sơ trên Cổng dịch vụ Công của Bộ Công an.

Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ tư vấn kiểm tra, kiểm định kỹ thuật về PCCC cần hướng dẫn đơn vị đề nghị kiểm định cung cấp đầy đủ các hồ sơ, tài liệu về kết quả kiểm định lần đầu và các tài liệu chứng minh năng lực sản xuất, hệ thống quản lý chất lượng theo quy định tại Điều 3.1.1 nêu trên để kiểm tra, đối chiếu, làm căn cứ để lập Biên bản kiểm định theo quy định.

Đối với các chỉ tiêu kỹ thuật được cắt giảm thủ tục thử nghiệm, đơn vị đề nghị kiểm định (nhà sản xuất) cần chủ động duy trì chất lượng sản phẩm đã được kiểm định và theo tài liệu kỹ thuật đã công bố, hoàn toàn chịu trách nhiệm về chất lượng phương tiện PCCC theo quy định của Luật Phòng cháy và chữa cháy, Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa và các quy định pháp luật có liên quan. Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ tư vấn kiểm tra, kiểm định kỹ thuật về PCCC chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết luận nêu tại biên bản kiểm định phương tiện PCCC đã cấp.

b) Sử dụng kết quả kiểm định của cơ quan, tổ chức nước ngoài trong quá trình đánh giá chất lượng phương tiện PCCC, cụ thể:

Tại Điều 3.1.2 của Quy chuẩn có quy định:

“Các phương tiện phòng cháy và chữa cháy thuộc danh mục phải kiểm định về phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật, đã được cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại cấp phép thực hiện kiểm định thì cơ quan Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có thẩm quyền căn cứ kết quả kiểm định của cơ quan, tổ chức nước ngoài để xem xét cấp giấy chứng nhận kiểm định trên cơ sở các yêu cầu sau:

a) Cơ quan, tổ chức nước ngoài có chứng chỉ được cơ quan có thẩm quyền công nhận phù hợp tiêu chuẩn ISO/IEC 17025 - Yêu cầu chung đối với năng lực của các phòng thử nghiệm và hiệu chuẩn, kèm theo phạm vi công nhận phù hợp với phạm vi đề nghị thừa nhận hoặc đã được Bộ Công an ký kết thừa nhận kết quả thử nghiệm, kiểm định.

b) Kết quả kiểm định của cơ quan, tổ chức nước ngoài là kết quả kiểm định cho mẫu phương tiện còn hiệu lực tại thời điểm đề nghị cấp giấy chứng nhận kiểm định hoặc kết quả kiểm định cho các loại phương tiện đề nghị cấp giấy chứng nhận kiểm định; và phải bảo đảm các chỉ tiêu kỹ thuật thử nghiệm đáp ứng đầy đủ mức yêu cầu của quy chuẩn, tiêu chuẩn Việt Nam tương ứng hoặc tiêu chuẩn nước ngoài, tiêu chuẩn quốc tế đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép áp dụng tại Việt Nam”.

Quy định này tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong trường hợp có nhu cầu lưu thông, sử dụng các phương tiện PCCC đã được tổ chức nước ngoài kiểm định, đáp ứng yêu cầu về PCCC và tại Việt Nam chưa có đơn vị có năng lực kiểm định đối với các phương tiện này, đồng thời thực hiện việc hội nhập quốc tế, giảm thiểu chi phí xuất xưởng cho các phương tiện PCCC nhập khẩu. Theo quy định nêu trên, cơ quan, tổ chức kiểm định nước ngoài để được công nhận kết quả kiểm định tại thị trường Việt Nam cần đáp ứng:

- Trường hợp đã có hệ thống quản lý chất lượng phù hợp ISO 17025 đối với các phép thử nghiệm tại QCVN 03:2023/BCA, cần có các tài liệu chứng minh năng lực thử nghiệm, kiểm định của tổ chức nước ngoài, gồm:

+ Văn bản công nhận, chứng nhận đơn vị kiểm định có phòng thử nghiệm có hệ thống quản lý chất lượng đạt chuẩn TCVN ISO/IEC 17025: 2007 hoặc Tiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC 17025:2005, tại địa điểm thử nghiệm và còn hiệu lực (thông thường có thể tra cứu chứng nhận này trên webside của tổ chức công nhận), đồng thời nội dung các phép thử nghiệm được chứng nhận phù hợp quy định tại QCVN 03:2023/BCA. Tổ chức công nhận là các tổ chức pháp của Việt Nam (AOSC, BOA, VACI) hoặc tổ chức công nhận nước ngoài là thành viên tham gia thỏa thuận lẫn nhau của Hiệp hội công nhận phòng thí nhiệm Quốc tế (ILAC), Hiệp hội công nhận phòng thí nghiệm Châu Á- Thái Bình Dương (APAC).

+ Hoặc có văn bản do Bộ Công an ký kết thừa nhận kết quả thử nghiệm, kiểm định tại Việt Nam.

- Trường hợp cơ quan, tổ chức kiểm định nước ngoài có nhu cầu ký kết thừa nhận kết quả thử nghiệm, kiểm định về PCCC tại Việt Nam nhưng chưa có hệ thống quản lý chất lượng phù hợp ISO 17025 đối với các phép thử nghiệm tại QCVN 03:2023/BCA thì gửi văn bản đề xuất Bộ Công an xem xét, ký kết thừa nhận kết quả thử nghiệm, kiểm định (Qua Cục Cảnh sát PCCC và CNCH). Căn cứ tình hình thực tế, Bộ Công an tổ chức việc kiểm tra, đánh giá các tổ chức kiểm định nước ngoài, hoặc hướng dẫn các tổ chức này liên hệ các tổ chức công nhận của Việt Nam (ví dụ: AOSC, BOA, VACI), hoặc tổ chức quốc tế là thành viên của ILAC, APAC để thực hiện đánh giá năng lực phù hợp ISO 17025 trước khi xem xét, ký kết thừa nhận kết quả thử nghiệm, kiểm định.

- Kết quả kiểm định do cơ quan, tổ chức nước ngoài phải đầy đủ các phép thử và là kết quả hợp lệ, bao gồm:

+ Kết quả kiểm định mẫu phương tiện PCCC còn hiệu lực tại thời điểm đề nghị cấp giấy chứng nhận kiểm định hoặc kết quả kiểm định áp dụng cho lô phương tiện PCCC cụ thể;

+ Các chỉ tiêu kỹ thuật thử nghiệm đáp ứng đầy đủ mức yêu cầu của quy chuẩn, tiêu chuẩn Việt Nam tương ứng hoặc tiêu chuẩn nước ngoài, tiêu chuẩn quốc tế đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép áp dụng tại Việt Nam.

Các tổ chức, doanh nghiệp có phương tiện PCCC đề nghị kiểm định hoặc thực hiện kiểm định kỹ thuật đối với phương tiện PCCC cần nghiên cứu kỹ tính đầy đủ và hợp lệ của kết quả kiểm định do cơ quan, tổ chức nước ngoài thực hiện theo hướng dẫn nêu trên để áp dụng cho phù hợp.

Đối với kết quả kiểm định của cơ quan, tổ chức nước ngoài áp dụng tiêu chuẩn thử nghiệm không được quy định tại Quy chuẩn QCVN 03:2023/BCA thì trường hợp này tiêu chuẩn thử nghiệm phải được Bộ Công an chấp thuận sử dụng tại Việt Nam.

Căn cứ quy định tại Điều 3.1.2 nêu trên, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH hướng dẫn thành phần hồ sơ cần cung cấp khi thực hiện thủ tục kiểm định, cấp giấy chứng nhận kiểm định phương tiện PCCC, gồm:

- Bản sao (được chứng thực theo quy định) văn bản công nhận, chứng nhận phòng thử nghiệm đạt chuẩn TCVN ISO/IEC 17025: 2007 hoặc Tiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC 17025:2005 của đơn vị kiểm định hoặc văn bản do Bộ Công an ký kết thừa nhận kết quả thử nghiệm, kiểm định tại Việt Nam, nộp tại mục “Thành phần hồ sơ khác” khi tải hồ sơ trên Cổng dịch vụ Công của Bộ Công an;

- Bản sao(được chứng thực theo quy định) kết quả thử nghiệm, kiểm định phương tiện PCCC kèm theo các chỉ tiêu kỹ thuật cụ thể, nộp tại mục “Biên bản kiểm định phương tiện phòng cháy, chữa cháy của cơ sở kinh doanh dịch vụ tư vấn kiểm tra, kiểm định kỹ thuật về PCCC” khi tải hồ sơ trên Cổng dịch vụ Công của Bộ Công an.

Các bước thực hiện việc cấp giấy chứng nhận kiểm định phương tiện PCCC theo kết quả kiểm định của cơ quan, tổ chức kiểm định nước ngoài theo Phụ lục (kèm theo).

Để triển khai thống nhất, có hiệu quả các quy định nêu trên, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH sẽ tiếp nhận tài liệu và thông báo công khai năng lực của cơ quan, tổ chức kiểm định nước ngoài được công nhận kết quả kiểm định phương tiện PCCC để sử dụng tại Việt Nam, thông báo đến Công an các địa phương và công khai trên Webside của Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, chuyên mục “Hướng dẫn cộng đồng” (http://canhsatpccc.gov.vn/ArticlesList/ tabid/ 192/ cateid/ 198/language/vi-VN/default.aspx) để triển khai thực hiện.

2. Cục cảnh sát PCCC và CNCH hướng dẫn chi tiết quy trình kỹ thuật kiểm định phương tiện PCCC theo quy định QCVN 03:2023/BCA, tại chuyên mục “Hướng dẫn cộng đồng”

(http://canhsatpccc.gov.vn/ArticlesList/tabid/192/cateid/ 198/language/vi-VN/default.aspx) để các tổ chức, doanh nghiệp thử nghiệm, kiểm định phương tiện PCCC tham khảo, thực hiện theo quy định.
Đối với các phương tiện PCCC không được quy định tại Quy chuẩn QCVN 03:2023/BCA, việc kiểm định về PCCC đối với các phương tiện này do đơn vị tư vấn kiểm tra, kiểm định kỹ thuật về PCCC (đã được xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ PCCC đối với phương tiện đó) thực hiện kiểm định theo các tiêu chuẩn Việt Nam về PCCC hoặc theo các tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài được sử dụng tại Việt Nam./.

Phòng 6/Cục Cảnh sát PCCC và CNCH

Viết bình luận của bạn

Tin liên quan

Thứ Năm, 26/09/2024
-
CÔNG TY TNHH THIẾT BỊ CƠ ĐIỆN PCCC HẢI NAM

Hướng dẫn thực hiện một số quy định mới Trong hoạt động kinh doanh dịch vụ tư vấn kiểm tra, kiểm định kỹ thuật về Phòng cháy và chữa cháy

Ngày 10/5/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 50/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều...

Thứ Sáu, 20/09/2024
-
CÔNG TY TNHH THIẾT BỊ CƠ ĐIỆN PCCC HẢI NAM

HƯỚNG DẪN MỘT SỐ NỘI DUNG VỀ THỬ NGHIỆM, KIỂM ĐỊNH PCCC ĐỐI VỚI THIẾT BỊ BÁO CHÁY SỬ DỤNG ĐƯỜNG TRUYỀN VÔ TUYẾN

Hiện nay, cùng với sự phát triển của khoa học - công nghệ, việc sử dụng các...

0
Gọi ngay cho chúng tôi
Chat với chúng tôi qua Zalo
Gửi email cho chúng tôi
Cửa hàng